Tiểu sử Vi_Huyền_Đắc

Vi Huyền Đắc sinh ngày 18 tháng 12 năm 1899 tại làng Trà Cổ, tỉnh Hải Ninh, nay là phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Cha ông làm thầu khoán, mộ phu làm đường, làm mỏ và có một đội thuyền vận tải riêng hoạt động ở vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Mẹ ông là cháu ngoại Tiến sĩ Hán học Nguyễn Tư Giản (1823 -1890).

Thuở nhỏ Vi Huyền Đắc học chữ Hán, sau đó chuyển sang học chữ Quốc ngữ. Sau khi tốt nghiệp Thành Chung ở Hải Phòng, ông thi vào trường Mỹ nghệ Hà Nội[1] nhưng sau đấy lại vào Sài Gòn làm lái xe và bắt đầu viết một số bài báo có xu hướng tiến bộ.

Cha mất, Vi Huyền Đắc trở ra Hải Phòng kế thừa cơ nghiệp để lại, nhưng do việc kinh doanh không hiệu quả nên ông phải bán dần tài sản để sinh sống. Ở đây, ông bắt đầu viết kịch và mở nhà in Thái Dương văn khố trên phố Cầu Đất (Hải Phòng) để xuất bản tác phẩm của mình và bạn bè.

Năm 1927, ông cho ra mắt tác phẩm kịch đầu tay: Uyên ương.

Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), ông tản cư về dạy học ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Năm 1954, ông lại vào Nam (ở Gia Định), tiếp tục sáng tác và từng là Phó chủ tịch hội Văn bút Việt Nam. Năm 1971, ông được trao Giải thưởng Văn Học Nghệ thuật Toàn Quốc, do Tổng thống VNCH bang lập.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Vi Huyền Đắc ra sống ở Hà Nội và mất tại đó vào ngày 16 tháng 8 năm 1976[2], thọ 77 tuổi.

Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, thì ông từng được giải thưởng của Tự Lực văn đoàn (1937, vở Kim tiền) và giải thưởng của Académie de Nice Pháp (vở Eternels Regrets).[3]